Canalblog
Editer l'article Suivre ce blog Administration + Créer mon blog
Publicité
Alain.R.Truong
Alain.R.Truong
Publicité
Visiteurs
Depuis la création 50 893 475
Archives
Newsletter
Alain.R.Truong
18 juillet 2009

Trương Văn Bền (1883 - 1956)

Un article tiré du livre "DANH NHÂN THẾ GIỚI" ("Personnalités mondiales célèbres"...)

Vào những năm đầu thế kỷ XX, trong hoàn cảnh khó khăn của một xứ thuộc địa phải chịu sức ép của thực dân Pháp và giới tư sản mại bản người Hoa ngày càng lấn lướt, bóp nghẹt nền kinh tế thị trường của người Việt ngay khi còn trong trứng nước, thì sự xuất hiện của nhà kỹ nghệ người Việt Trương Văn Bền với cơ ngơi khá lớn là hãng sản xuất xà bông Trương Văn Bền có thể xem là một huyền thoại đầy tự hào của người Việt.Ông Trương Văn Bền sinh năm 1883 tại Chợ Lớn. Năm 1914, ông lập đồn điền cao su cỡ nhỏ ở Thủ Đức. Năm 1927, ông tiếp tục mở rộng lãnh địa kinh doanh khi lập công ty khai khẩn ruộng ở Đồng Tháp Mười trên diện tích 18.000ha với 3.000 tá điền. Trong thời điểm này, mặt hàng xà bông trong nước hầu như bỏ ngỏ khi loại xà bông xấu do các lò nấu nhỏ ở Chợ Lớn có chất lượng quá kém, không cạnh tranh với loại xà bông được nhập cảng từ Pháp do các hãng ở cảng Marselle cung cấp, người Việt thường gọi đó là “xà bông Mạc - Xây”.
Nhận thấy đây sẽ là cơ hội kinh doanh lớn, năm 1931 ông Trương Văn Bền quyết định lập hãng ép dầu và làm xà bông với tên chính thức là Công ty Trương Văn Bền và các con. Từ những nguyên liệu có sẵn như mủ thông ở đồn điền, cơ sở xay lúa gạo ở vùng Đồng Tháp Mười... cộng với sự tìm tòi khám phá, ứng dụng những kỹ thuật mới trong sản xuất xà bông, ông đã tiết kiệm được rất nhiều số vốn đầu tư phải bỏ ra. Khi tung sản phẩm ra thị trường, với chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, cộng thêm giá rẻ, sản phẩm xà bông của Trương Văn Bền đã đánh bại được xà bông nhập cảng và thâu tóm được thị trường toàn Đông Dương, xuất sang cả Hương Cảng, qua châu Phi và Tân Đảo (Thái Bình Dương).
Khi đã định hình được tên tuổi sản phẩm và thị trường tiêu dùng, Trương Văn Bền đặc biệt chú trọng vào khâu quảng cáo khuếch trương thương hiệu. Trong suốt thời gian dài hầu hết báo chí thời đó đều có đăng mục quảng cáo “Dùng xà bông xấu, mục quần áo” - “Người Việt Nam nên xài xà bông Việt Nam” của Hãng xà bông Trương Văn Bền. Trong các cuộc triễn lãm được mở cửa hàng năm tại các tỉnh và Sài Gòn, bao giờ gian hàng của ông Bền cũng được thiết kế ấn tượng nhất với mô hình một cục xà bông to hơn gian hàng gây được sự chú ý và tò mò đặc biệt của người xem. Chưa dừng lại ở đó, tại các gian hàng còn có bán xà bông gọi là chào hàng với giá rẻ hơn bên ngoài đến 25%. Trương Văn Bền còn đưa nhãn hiệu xà bông Trương Văn Bền vào những loại hình nghệ thuật dân tộc được người Việt yêu thích như ca vọng cổ, thơ lục bát đề cao tinh thần dân tộc, lòng yêu nước... khiến cho từ giới bình dân đến trí thức người Việt đều biết đến sản phẩm của ông.
Đầu những năm 1930 trong dịp Tết Nguyên đán, các báo Sài Gòn thường đăng phỏng vấn quảng cáo thương mại. Những bài này thường rất ăn khách do người đọc thích tìm hiểu bí quyết thành công của các nhà kinh doanh nổi tiếng. Trong đó có bài phỏng vấn ông Trương Văn Bền đăng trên báo Sài Gòn Xuân 1939 đã thu hút rất nhiều độc giả thời bấy giờ quan tâm. Mặc dù thời đó không có những khái niệm chuyên môn như tiếp thị, đầu tư, thương hiệu... Nhưng nội dung chủ yếu của bài báo lại xoay quanh những vấn đề này. Có thể nói, bài phóng sự đó đã có ý nghĩa cần thiết không những đối với những nhà kinh doanh cùng thời mà còn là con đường sáng cho doanh nhân ngày nay suy ngẫm và so sánh.
Trong bài báo phóng viên hỏi tại sao người Việt thường thất bại trong thương mại và kỹ nghệ. Không cần suy nghĩ lâu, ông Trương Văn Bền trả lời: “ Tại người mình ưa bắt cá hai tay, ưa làm nhiều việc quá. Việc này chưa xong, họ đã xoay qua làm việc khác, thành thử không việc nào vẹn toàn. Rốt cuộc hỏng cả”. ông nói tiếp: “Lý do thứ nhì là do không thông thạo việc nên thất bại. Bất cứ việc gì, trước khi làm mình phải biết rõ việc ấy. Phải học, phải nghiên cứu kỹ càng mới được. Người Tây trước khi làm việc gì họ cũng học trước cả. Cho đến một việc đứng bán hàng, ta cho là tầm thường và tưởng ai ai cũng có thể làm được. Nhưng đối với họ đó là việc quan trọng cũng có sách có trường dạy hẳn hoi, dạy từ cách tiếp khách, khoe hàng làm sao cho người khách mua rồi thì còn trở lại. Người mình có một cái rất bậy là chỉ thấy cái lợi trước mắt, chỉ cốt làm sao bán được món hàng lúc ấy mà thôi, không chịu hiểu rằng người khách thấy mình bị tiếp đãi không được như ý, hoặc bị lừa gạt mua nhầm hàng xấu, về sau không thèm trở lại nữa, vì vậy mà ế ẩm. Như tôi đây cơ sở đã vững vàng rồi mà ngày nào cũng tìm sách, tìm báo đọc thêm”.
Khi được hỏi về bí quyết thành công, ông Bền nói: “ở xứ mình, trong giới kỹ nghệ còn trống chỗ nhiều, muốn lập kỹ nghệ nào cũng dễ lắm. Không cần phải có vốn nhiều. Vốn ít, càng tốt hơn. Ban đầu không nên làm rình rang, đã vô ích mà còn có hại, cứ khởi sự nho nhỏ, đi lần lần từng bước. Cần nhất phải có chí nhẫn nại. Như tôi đây bị thất bại đã mấy phen, nhưng có thất bại mới có thêm kinh nghiệm. Thứ nhất là bền chí. Thứ hai là phải có sức khỏe, làm gì thì làm mỗi buổi sáng tôi cũng dậy sớm tập nửa giờ thể dục. Không có sức khỏe, hay đau ốm thì dẫu tài giỏi đến bực nào cũng thành vô dụng. Tóm lại sức khỏe, sự học hỏi, sự bền chí là những điều kiện của sự thành công”.
Không chỉ đóng góp nhiều cho việc phát triển công nghiệp, nông nghiệp, thương mại ở miền Nam, ông Bền còn tham gia nhiều hoạt động văn hóa xã hội. Năm 1918, ông được bầu làm Nghị viện Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ. Năm 1922, ông là thành viên phòng Thương mại và phòng Nông nghiệp Nam kỳ. Năm 1924, ông là ứng viên Hội đồng Quản trị Sở Lúa gạo Đông Dương, ủy viên Hội đồng Quản trị Thương cảng Sài Gòn. Năm 1929, ông là nghị viên Hội đồng Kinh tế và tài chính Đông Dương. Năm 1932, ông là Chủ tịch nghiệp đoàn Công nghiệp và Quỹ Tín dụng Nông nghiệp Chợ Lớn. Năm 1941, ông là Hội viên Hội đồng sản xuất kỹ nghệ Đông Dương. ông cũng được chính quyền Pháp tặng thưởng Nông nghiệp Bội tinh.
Sau năm 1975, Công ty Trương Văn Bền và các con trở thành Nhà máy hợp doanh Xà bông Việt Nam thuộc Bộ Công nghiệp nhẹ. Năm 1995, đơn vị này trở thành công ty Phương Đông thuộc Bộ Công nghiệp. Tháng 7 - 1995, công ty Phương Đông liên doanh với tập đoàn Proter & Gamble lập một nhà máy mới ở Sông Bé.
Ngày nay ở Chợ Lớn hãy còn hãng xà bông Trương Văn Bền với cơ ngơi khá to. Những người nay bước vào tuổi 70, 80 vẫn còn lưu giữ dấu ấn khá đậm về một người Việt thành công trong kinh doanh giữa những năm tháng khó khăn của một xứ thuộc địa bị gò bó.
Dù đã xưa cũ, nhưng công việc lật lại những tư liệu về kinh nghiệm trên thương trường của nhà kỹ nghệ Trương Văn Bền là một việc rất cần thiết, những câu chuyện về nhãn hiệu xà bông Trương Văn Bền vẫn gây cho người đọc một niềm tự hào dân tộc và là bài học bổ ích, khích lệ tinh thần phấn đấu của một thế hệ doanh nhân trẻ Việt Nam thời nay trên con đường tự khẳng định mình. www.doanhnhan24h.vn

Publicité
Publicité
Commentaires
Publicité